Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nơi mà ¾ diện tích bề mặt là núi, mình có cơ hội leo các đỉnh núi cao như Bạch Mộc Lương Tử, Tà Chì Nhù, Lảo Thẩn… và niềm đam mê với bộ môn này cũng bắt đầu từ đó. Nhật Bản là đất nước có địa hình tương tự như Việt Nam với núi non trùng điệp bao quanh lãnh thổ. Sau khi đến Nhật, mình quyết định leo và khám phá các ngọn núi cao ở Nhật, đặc biệt là dãy Alps phía Bắc để tìm hiểu sự khác nhau giữa văn hóa leo núi của hai nước. Điều mình cảm nhận được sau những chuyến leo núi ở Nhật đã hoàn toàn thay đổi cách suy nghĩ đối với bộ môn này và cách mình tận hưởng niềm vui.
Núi không chỉ đơn thuần là núi
Đối với người Nhật, núi không chỉ đơn giản là phần nhô lên của bề mật Trái Đất, núi là biểu tượng linh thiêng và có ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống tâm linh của người Nhật. Họ tin rằng thần linh hiện diện trong các vật thể xung quanh con người như đá, cây cối và núi non. Núi từ xa xưa đã là biểu tượng thờ cúng và được xem như là chốn linh thiêng nơi con người có thể tiếp xúc với thần linh. Rất nhiều đền thần đạo được xây dựng trên các đỉnh núi ở Nhật và những ngôi đền là đích đến cho các cuộc hành hương diên ra mỗi năm trên khắp cả nước. Ngọn núi nổi tiếng nhất Nhật Bản không gì khác ngoài núi Phú Sĩ-ngọn núi lửa cao nhất với độ cao 3776m trên mực nước biển. Hàng ngàn người hành hương và nhà leo núi trong và ngoài nước đổ về núi Phú Sĩ để chinh phục đỉnh núi linh thiêng này mỗi năm và cầu mong sự cứu giúp từ thần linh. Một trong những người bạn mình quen đã leo núi Phú Sĩ tổng cộng 17 lần và sẽ tiếp tục leo trong những năm sắp tới. Anh ấy nói rằng cảm giác đứng trên đỉnh rất đặc biệt mà không một ngôn từ nào có thể mô tả. Những cảm xúc như phấn khích, vui sướng và cả lo sợ cứ thế trào lên khiến bạn không thể kiểm soát nổi. Trên đỉnh Phú Sĩ, bạn có những cái nhìn và cảm nhận sâu sắc về thiên nhiên, những cơn gió, mặt trời và những âm thanh xung quanh. Nhiều người thậm chí rơi nước mắt khi chiêm ngưỡng cảnh mặt trời mọc hùng vĩ. Người Nhật nổi tiếng với khả năng che giấu cảm xúc thật của bản than nhưng trên đỉnh núi, không một ai có thể kiềm chế cảm xúc của mình.
Một ngọn núi tâm linh nổi tiếng khác là ngọn Haguro ở tỉnh Yamagata nơi bạn phải leo 2446 bậc thang để đến với vùng đất của các vị thần. Hàng ngàn tu sĩ và người hành hương leo đến Đền Haguro tọa lạc trên đỉnh núi mỗi năm. Đền Haguro được xem là điểm xuất phát cho “Hành trình hồi sinh” trong chuyến leo qua ba ngọn núi của dãy Dewa.
Trong một lần leo ngọn Shakagatake ở tỉnh Nara, mình đã thấy một bức tượng Phật cao hơn 5m, nặng gần 400 kg mà theo người dân địa phương kể lại rằng ngày xưa một thanh niên cường tráng đã tự mình vác tượng Phật lên đỉnh. Ngọn núi sau đấy trở nên linh thiêng và được bảo vệ bởi vị Phật. Tu sĩ đến với Shakagatake để thờ cúng và đặt bảng tên bằng gỗ dưới chân bức tượng như là bằng chứng cho việc họ đã hành hương đến đây. Ở VIệt Nam, không có nhiều những ngôi đền thần đạo hay chùa được xây trên đỉnh núi từ xa xưa. VIệc thờ phụng thần núi ở Việt Nam cũng không gắn liền với việc leo núi. Ngôi chùa trên đỉnh núi cao nhất Việt Nam, Fansipna, được xây để thu hút khách du lịch và không có tu sĩ hay người hành hương nào leo đến đây mỗi ngày. Người ta leo núi để chinh phục, khám phá bản thân và hòa quyện vào thiên nhiên. Trái lại, lích sử thờ phụng núi non là một phần của văn hóa Nhật BẢn và người Nhật leo núi để thảo mãn đời sống tâm linh hơn là để tìm kiếm cảm giác được lên “đỉnh”.
Leo núi là một thú vui, một thói quen, và một hoạt động lành mạnh
Mình có dịp leo vài ngọn cao hơn 3000m ở phía Bắc dãy Alps và đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy các nhóm học sinh tiểu học và trẻ em trên đường lên đỉnh Omiya và Tateyama (tỉnh Nagano) dưới sự hướng dẫn cảu giáo viên và ba mẹ. Mặc dù các em rất mệt, người đầm đề mồ hôi những vẫn cố gắng để lên đỉnh thành công. Mình không ngạc nhiên bởi vì sức khỏe và sự bền bỉ của các bạn nhỏ, mình ngạc nhiên bởi cách người Nhật dạy dỗ thế hệ tương lai của họ về lịch sử, tôn giáo và môi trường thông qua viêc leo núi. Trẻ em được rèn luyện sức khỏe bằng cách leo núi thay vì ở nhà suốt ngày cắm mặt vào điện thoại. Bằng cách này, trẻ em sẽ cảm nhận được mối liên hệ giữa bản than với môi trường và hiểu được sự liên kết giữa con người và tự nhiên ngay từ khi chúng còn nhỏ. Điều này sẽ trở thành một thói quen tốt, trẻ em sẽ biết cách bảo vệ môi trường tự nhiên khi chúng lớn lên. Không chỉ trẻ em mà người cao tuổi ở Nhật cũng có thú vui leo núi đáng kinh ngạc, điều bạn hiếm khi thấy ở Việt Nam. Người cao tuổi ở Nhật luôn ăng động và khỏe mạnh. Miinhf đã bắt gặp và làm quen với rất nhiều ông bà ở độ tuổi 70 đến 80 trên đường leo. Họ luôn mang theo máy ảnh để lưu lại những khoảnh khắc đẹp của thiên nhiên và họ có thể đi bộ nhanh không thua gì thanh niên. Theo một điều tra vào năm 2016, tổng số người leo núi trên 15 tuổi ở Nhật là 10 triệu người trong đó nam giới từ 65-69 tuổi chiếm 13.2%, nữ giới từ 60-65 tuổi chiếm 12%. Nhiều người cao tuổi mà mình bắt chuyện cho biết họ bắt đầu leo núi từ lúc 10 tuổi và duy trì thú vui này cho đến tận bây giờ. Văn hóa leo núi của người Nhật trải rộng khắp các lứa tuổi và họ có một điểm chung: lan tỏa tình yêu với môi trường. Ngược lại, ở Việt Nam, người cao tuổi thường chơi các môn thể thao như cầu lông, golf, tennis hay đi bộ. Nếu bạn đi leo núi ở VIệt Nam, sẽ rất hiếm để gặp những ông bà 60-70 tuổi với balo nặng trên vai.
Cơ sở vật chất và văn hóa onsen
Một trong những lí do mà Nhật bản được xem như thiên đường cho các nhà leo núi chính là đường leo được bảo trì tốt với các bảng chỉ dẫn rõ ràng và có thể tiếp cận dễ dàng bằng phương tiện công cộng. Nhiều cung đường leo núi được lát với các ván gỗ hoặc đá sỏi và bậc thang khiến việc leo núi trở nên dễ hơn. Nếu bạn muốn leo núi ở Nhật, bạn hoàn toàn có thể tra bản đồ chi tiết ngọn núi đó một cách nhanh chóng trên mạng. Leo núi ở Nhật không yêu cầu porter hay hướng dẫn viên đi kèm nên sẽ là một lựa chọn tuyệt vời cho các bạn đam mê leo núi solo. Hơn nữa, người Nhật xây dựng nhiều lán nghỉ lớn trên những ngọn núi có nhiều người leo như Phú Sĩ, Tateyama và Hakusan để phục vụ chỗ ngủ và nhà hang cho khách thập phương. Khách leo núi có thể qua đêm và ăn uống tại đây trước khi lên đỉnh đón bình minh. Mình chắc rằng sẽ khó để mà lạc khi leo núi ở Nhật. Trái lại, leo núi, nhất là những ngọn núi ở phía Bắc Việt Nam hầu như phải cần có porter hoặc người dẫn đường vì hoàn toàn không có biển chỉ dẫn, đường leo cỏ mọc um tùm rất khó xác định phương hướng nên dễ đi lạc. Các lán nghỉ được xây bởi người địa phương nên nhỏ và không có đầy đủ tiện nghi như nước, điện hay wifi, và thậm chí là đồ ăn. Điểm khác biệt quan trọng nhất trong văn hóa leo núi giữa hai nước theo mình chính là tắm suối nước nóng sau khi leo núi. Người Nhật luôn kết thúc chuyến leo núi bằng cách ngâm mình vào onsen để thư giãn và xoa dịu cơ thể căng nhức, trong khi đó Việt Nam hầu như không có suối nước nóng nên việc tắm onsen sau khi leo là điều không thể. Onsen đã trở thành một trải nghiệm không thể thiếu trong các chuyến leo núi ở Nhật. Nếu leo núi xong mà không tắm Onsen, chuyến đi của ban dường nhu thiếu đi một điều gì đó rất quan trọng giúp bạn thư giãn tinh thần và “F5” lại cơ thể mệt mỏi sau nhiều ngày leo núi vất vả. Không gì có thể so sánh với cảm giác sảng khoái khi ngâm mình trong bồn tắm onsen sau một chuyến leo núi mệt nhừ.
Nhật Bản chắc chắn là một trong những đất nước tuyệt nhất dành cho những nhà leo núi muốn tìm kiếm những trải nghiệm hoàn toàn mới. Leo núi ở Nhật không chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên núi non hung vĩ, nâng cao sức khỏe mà còn học hỏi được nhiều điều về văn hóa, lịch sử và tín ngưỡng của người Nhật. Leo núi ở Nhật đòi hỏi một sự kết hợp giữa thể lực, ý chí và cả cam kết với thiên nhiên với rất nhiều cung đường và đỉnh núi để khám phá. Nếu bạn hứng thú và yêu thích thiên nhiên cũng như văn hóa Nhật Bản, hãy thử một lần leo lên một đỉnh ở đây để thấy được điều thú vị và tự mình trải nghiệm cảm giác hòa vào núi rừng và tìm về chốn linh thiêng của người Nhật.
Comments